Muốn đưa đô thị Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” trong tương lai gần thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê ở địa phương cần “mở” tầm nhìn, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chuỗi liên kết, đưa sản phẩm nội địa đến với các thị trường khó tính…
Ông Trần Tấn Vinh – Giám đốc Cty Đầu tư & Thương mại (Pro Holdings) kiêm Chủ thương hiệu Ama Coffee nêu quan điểm: “Muốn xây dựng TP.Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới, trước hết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại địa phương phải khẳng định được thương hiệu của mình, cùng đưa sản phẩm của quê hương vươn tầm ra thế giới.
Với quan điểm đó, chúng tôi đã tập trung xây dựng thương hiệu của mình trở thành quà tặng quốc gia của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung. Để làm được điều này, đơn vị tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất, chế biến và đóng gói thành phẩm, ưu tiên sản xuất, đóng gói sản phẩm.
Ông Vinh cho rằng: “Ngoài ra, việc chọn lựa sản phẩm cà phê, vùng nguyên liệu phải được chế biến theo quy trình hữu cơ, nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trong đó, có cà phê đặc sản được lấy từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị rất riêng…
Cuối tháng 6 vừa qua, tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Bỉ, sản phẩm chúng tôi được chọn trưng bày giới thiệu với doanh nghiệp, cán bộ cấp cao ở các nước EU và nhận được nhiều nhận định tích cực cả về thiết kế bao bì lẫn hương vị cà phê.
Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nâng tầm sản phẩm cả về chất lẫn lượng, hướng đến việc xuất khẩu trong tương lai gần, nhất là đối với cà phê đặc sản – sản phẩm chiến lược của đơn vị”.
Ông Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột cho rằng: “Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức sản xuất cà phê, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, thời gian tới, TP.Buôn Ma Thuột và các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường mối liên kết để xây dựng ngành hàng cà phê bền vững.
Vấn đề là nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu trước những cơ hội và nắm bắt nó như thế nào. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy trong chuỗi liên kết ngành hàng cà phê. Để biến cơ hội này thành hiện thực, việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu”.
Theo ông Nhật: Các vùng chuyên canh cà phê của Buôn Ma Thuột, tập trung chủ yếu ở Hòa Thuận, Ea Tu, Ea Kao… đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường EU.
Người nông dân nơi đã tự xây dựng mô hình sản xuất cà phê cảnh quan, thân thiện môi trường, không còn chạy theo số lượng mà hướng đến chất lượng.
Tỉnh Đắk Lắk cùng cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cà phê chất lượng cao… Những khách hàng quốc tế đã có cái nhìn mới về chất lượng cà phê Việt Nam và nhờ đó cà phê Đắk Lắk từng bước chinh phục được nhiều thị trường khó tính.
Mặc dù dự báo khả quan, nhưng rõ ràng để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính như EU, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân sản xuất cà phê tại Buôn Ma Thuột còn rất nhiều việc phải làm.
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, truy xuất nguồn gốc, số hóa từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“UBND TP.Buôn Ma Thuột luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp địa phương trong việc phát triển thương hiệu cà phê.
Trong tháng 5.2022, thành phố đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa của địa phương gắn với các di tích quốc gia.
Qua đó, hướng đến việc hoàn thiện Đề án Phát triển thương hiệu TP.Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê của Thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa của địa phương gắn với các di tích quốc gia, đảm bảo hiệu quả, khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành”, ông Nhật nhấn mạnh.
(Theo Báo Lao Động)
- Cuộc sống bình yên bên khu vườn rộng 2000m2 của đôi vợ chồng bỏ phố về Đăk Lăk
- Xu hướng bạn trẻ bỏ phố về quê “nuôi cá và trồng thêm rau”
- Cách cải thiện chất lượng không khí trong nhà
- Cuộc sống “rời phố về quê” phải chăng cũng chỉ cần an yên như thế này?
- Khu vườn 2.000m2 “thẳng cánh cò bay” tràn ngập rau trái hái mỏi tay của trai đẹp 9X Đắk Lắk